Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng sớm trình đề xuất sửa đổi Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng vì đây là rào cản
Ngày 17-2, tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã làm việc với Bộ xây dựng
Nghị định rất “đụng chạm”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt lại 6 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Xây dựng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thêm các nội dung văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi cho sát thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, với Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Thủ tướng yêu cầu phải làm nhanh nhất, sớm trình Chính phủ sửa đổi bởi đây là rào cản. “Doanh nghiệp, địa phương phản ánh các dự án cứ điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn và lãng phí thời gian của doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định này theo tinh thần phân cấp chứ không phải bao cấp” - ông Dũng lưu ý.
Về quy hoạch và quản lý quy hoạch, Chính phủ nhìn nhận nếu không thực hiện nghiêm có thể dẫn đến tình trạng điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch. Do vậy, cần phân cấp rõ đâu là thẩm quyền của địa phương, đâu là thẩm quyền của Bộ Xây dựng và trách nhiệm của bộ trong kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy hoạch.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý lĩnh vực nhà ở cho người thu nhập thấp, chủ trương phát triển thị trường nhà ở, vật liệu xây dựng với bảo vệ môi trường và vấn đề cổ phần hóa, nhất là việc tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa. Đây là những vấn đề rất quan trọng, cần được quan tâm đúng mức.
Phải rất cẩn trọng
Giải trình về sự chậm trễ trong sửa đổi, bổ sung nghị định này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan tham mưu của bộ đã lập dự thảo, đăng công khai và nhận được hơn 120 ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, đây là nghị định khó, còn nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, nghị định rất “đụng chạm” bởi buộc các bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp lại các ban quản lý dự án, trong khi tổng số ban quản lý dự án ODA trong cả nước đã lên tới con số hơn 1.000.
“Đặc thù của ngành xây dựng là muốn làm gì thì làm, phân cấp thế nào thì phân cấp, cuối cùng vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình, an toàn cho người dân, đầu tư hiệu quả và bảo đảm phòng chống lãng phí. Vì thế, phải tính toán rất cẩn trọng” - ông Hà nói và cho hay việc sửa đổi sẽ theo hướng phân cấp rất mạnh cho địa phương, các bộ chuyên ngành, các tổng công ty và tập đoàn.
“Lâu nay, thậm chí báo chí đặt vấn đề tại sao nhà 20 tầng mà Bộ Xây dựng vẫn thẩm định? Lần này nhà dưới 25 tầng, dưới 75 m sẽ phân cấp cho địa phương. Trên 25 tầng thì đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật khác hẳn nên phải có cơ quan chuyên ngành cấp bộ thẩm định” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Liên quan đến mức đầu tư, nếu trước đây phân cấp từ 5 tỉ đồng trở xuống các chủ đầu tư được quyết, bây giờ sẽ là 15 tỉ đồng. “Nhiều ý kiến nói 15 tỉ đồng với vốn nhà nước là cao, phải cân nhắc để chống lãng phí. Chúng tôi cân nhắc dành cho họ quyền chủ động rất lớn, nếu không đủ năng lực thẩm định thì có thể gửi đến Bộ Xây dựng. Tuy phân cấp thẩm quyền nhưng Bộ Xây dựng phải thực hiện tốt nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra” - ông Hà nêu.
Về sự chậm trễ cho cấp phép một số dự án đầu tư từ ngân sách, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết ông đã phát biểu ở Chính phủ là có tới 22 nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư nhà nước chứ không chỉ thủ tục hành chính. Do đó, tinh thần là sẽ tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan và trình Chính phủ ngay.
Không để nhà đầu tư luồn lách
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Xây dựng. Trong số các bộ thực hiện các nhiệm vụ bị quá hạn thì Bộ Xây dựng là thấp nhất. Tuy nhiên, lưu ý “đừng để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh quy hoạch”; đồng thời làm tốt hơn nữa để tạo chuyển động mạnh mẽ. “Phải thay đổi, nếu không thay đổi được thì thay con người. Một dây chuyền chỉ vì một mắt xích mà khựng lại thì phải thay ngay mắt xích đó” - ông Dũng nhấn mạnh.