Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng và phát triển. Làm sao để xây được cho mình căn nhà mơ ước “đẹp - rẻ - bền”. Sau đây chúng tôi giới thiệu tới bạn những kiến thức bổ ích khi xây dựng nhà đã được các chuyên gia thống nhất.
Lập kế hoạch xây nhà
Trước khi xây nhà thì việc lập kế hoạch là vô cùng quan trọng bởi nó quyết định trực tiếp đến các vấn đề phát sinh và ảnh hưởng đến quá trình xây nhà sau này.
Vì vậy, giai đoạn này nhất thiết bạn phải lập bản vẽ đến chi tiết, dự toán đến chi tiết thì mọi công tác thi công sau sẽ trở nên dễ dàng hơn! Công tác bản vẽ sẽ giúp bạn hình dung và cảm nhận được ngôi nhà mình mong muốn và giảm thiểu những phát sinh cũng như tiên lượng trước những phát sinh nếu có sau này.
Ngoài ra, việc xác định chính xác mục tiêu sử dụng của ngôi nhà mà mình đang có dự định xây dựng, nó được dùng để ở, để ở kết hợp kinh doanh, để kinh doanh và cho thuê hay được dùng để nghỉ dưỡng. Từ đó có thể xác định được nhu cầu của gia đình về số lượng phòng, diện tích và vị trí các phòng, nội thất và các nhu cầu nâng cao khác như hồ bơi, nhà kho, gara,.. Thêm vào đó cần xác định nhu cầu và dự tính cho tương lai như khi gia đình có thêm người, thì có cần xây thêm lầu hay phòng nữa không?
Xây dựng phần thô ngôi nhà là bước quan trọng nhất |
Dự tính chi phí và kế hoạch tài chính
Dự tính chi phí và kế hoạch tài chính là bước vô cùng quan trọng để bạn và gia đình hạn chế đối diện với các chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng đồng thời không làm ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính hiện tại của gia đình bạn và đảm bảo tiến độ công trình.
Chi phí xây nhà gồm hai loại là chi phí xây dựng cơ bản, trong đó có xây dựng phần thô, phần hoàn thiện và phần nhân công cùng với đó bạn phải ước tính chi phí trang trí nội thất cho ngôi nhà.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng luôn có xu hướng phát sinh so với chi phí ước tính, vì vậy bạn nên dự trù thêm từ 5 - 15% để yên tâm hơn khi thi công.
Thời gian xây nhà
Xem xét thời gian xây nhà là cần thiết, bạn cần xác định thời gian dự kiến của quá trình xây nhà từ khi thi công đến lúc bàn giao nhà mất bao lâu để có kế hoạch đàm phán với nhà thầu xây dựng sau này, tuy nhiên tiến độ công trình có thể xê dịch đôi chút.
Đồng thời nên chọn thời điểm nào để xây nhà là phù hợp, thông thường mọi người thường quan niệm xây nhà vào mùa khô tốt hơn bởi tiến độ thi công nhanh hơn, tuy nhiên lại khó đạt chất lượng chuẩn bởi mặt kết cấu bê tông dễ bị nứt do nở nhiệt nếu không bảo dưỡng tốt.
Trong khi đó, mùa mưa sẽ có chất lượng thi công tốt hơn nhưng chi phí thi công lại cao hơn và công việc hay bị gián đoạn do mưa nên thời gian thi công lâu hơn.
Kinh nghiêm chọn vật liệu xây dựng:
Chọn vật liệu xây dựng phù hợp và đảm bảo chất lượng là vô cùng cần thiết trong việc xây nhà. Dù bạn sử dụng phương án khoán trắng hay khoán công thì đều cần tìm hiểu kỹ về vật liệu xây dựng để có một ngôi nhà đẹp, tiết kiệm chi phí và an toàn.
Các loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là xi măng, cát, bê tông, gạch, thép và cốt pha.Trong xây dựng thì phần thô là phần quan trọng nhất bởi nó đóng vai trò là bộ khung của ngôi nhà, chính vì vậy để đảm bảo tính thẩm mỹ và độ an toàn của công trình,do đó bạn cần dành thời gian tìm hiểu và chọn lựa vật liệu xây dựng phù hợp và đảm bảo chất lượng.
Kinh nghiệm xây dựng phần thô
Xây thô là giai đoạn quan trọng nhất cho tuổi thọ và chất lượng của toàn công trình. Nền làm xong có thể lát lại, sơn có thể đổi màu. Nhưng phần thô của ngôi nhà mà sai thì gần như không thể sửa chữa. Do đó muốn đảm bảo chất lượng thì phải đúng thiết kế và thường xuyên giám sát quá trình thi công từng giai đoạn để tránh sai sót.
Gia cố nền và làm nền móng là việc quan trọng. Trong việc gia cố nền và làm nền móng, nếu nền đất yếu thì có thể đóng cọc cừ tràm hay ép cọc bê tông, rồi sau đó mới tiến hành làm móng công trình ngầm, hố ga, đường thoát nước và hầm nhà.
Móng xây nhà thường có các loại móng cơ bản là móng đơn, móng băng và móng bè hay ép cọc ( nếu nền đất yếu ).
Khâu đổ bê tông (sàn, dầm, cột) rất là quan trọng, rất khó sửa chữa nếu có sự cố sau này, do đó bạn phải chú trọng và cẩn thận. Đổ bê tông bao gồm các công việc chính là gia công thép, ghép cốt pha, nghiệm thu cẩn thận trước rồi tiến hành đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốt pha và xây tường.
Đặc biệt, việc bảo dưỡng bê tông sau khi đổ là yếu tố quyết định chính cho độ bền và chất lượng công trình.Ngoài ra việc xây tường cần phải đảm bảo thẳng, mạch đều, do đó bạn phải thường xuyên kiểm tra độ thăng bằng tường bằng quả dọi.
Để có được ngôi nhà đẹp - rẻ - bền thì khâu hoàn thiện cũng vô cùng quan trọng |
Kinh nghiệm để hoàn thiện ngôi nhà
Kết thúc giai đoạn xây dựng phần thô thì ngôi nhà của bạn mới thi công được khoảng 50%, còn lại là thời gian dành cho việc hoàn thiện các hạng mục công trình. Tuy nhìn nhẹ nhàng hơn nhưng đây lại là quá trình dễ phát sinh chi phí ngoài dự kiến nhất, bởi tiến độ có thể không đảm bảo như khi xây dựng phần thô, có thể do bạn muốn thay, đổi mới chất liệu, nội thất cho phù hợp hơn với phong thủy, phong cách của mình hoặc nguyên vật liệu phát sinh thêm trong quá trình hoàn thiện.
Quá trình hoàn thiện ngôi nhà được thực hiện lần lượt theo các bước như: trát tường, láng sàn, ốp lát gạch, sơn bả tường đến lắp đặt hệ thống kỹ thuật điện, cấp thoát nước, điện thoại, chống sét và cuối cùng là lắp đặt nội thất. Đối với công việc trát tường thì cần lưu ý trộn vữa đúng theo tỷ lệ quy định trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đồng thời sau khi trát xong chủ nhà phải kiểm tra độ phẳng và chất lượng của vữa trước khi bắt đầu các công tác sơn bả.
Còn đối với láng sàn thì phải dùng vữa và xi măng cán nền thẳng trước khi lát gạch. Các vật liệu ốp lát hiện nay trên thị trường rất có nhiều loại, chất lượng và giá cả là thứ mà bạn phải lưu tâm, tùy tài chính, sở thích bà bạn lựa chọn, tuy nhiên bạn cũng nên cần sự góp ý của những nhà thầu có kinh nghiệm để sự hài hòa về kiến trúc của ngôi nhà bạn định đầu tư.
Sơn bả tường cũng là một công đoạn quan trọng nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền của công trình, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sơn khác nhau, nếu xét về tính dung môi thì có sơn gốc nước và sơn gốc dầu, trong đó sơn gốc nước được ưa chuộng hơn bởi nó tiện dụng và không gây độc hại cho sức khỏe đồng thời hạn chế được các tác động từ môi trường.
Còn về công tác lắp đặt điện, nước và các hệ thống kỹ thuật như bồn nước, bồn vệ sinh, bóng đèn điện,..cần được thực hiện theo đúng bản vẽ kỹ thuật đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn hiện nay.
Với công đoạn cuối cùng là lắp đặt nội thất thì cần xác định các đồ nội thất phù hợp với nhu cầu và sở thích của bạn và gia đình, ngoài ra cần đáp ứng được diện tích và hài hòa với màu sơn tường và kiến trúc của ngôi nhà.
Kinh nghiệm để nghiệm thu và hoàn công ngôi nhà
Nghiệm thu ngôi nhà là một bước vô cùng quan trọng, nó phải được thực hiện sau khi kết thúc từng công việc, từng bộ phận hay từng hạng mục công trình, đồng thời nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Quá trình nghiệm thu phải có chủ nhà, đơn vị thi công và đơn vị giám sát và để đảm bảo tính khách quan, đơn vị giám sát nên độc lập với nhà thầu xây dựng.
Ngoài ra đối với các bộ phận bị che khuất của công trình cần được nghiệm thu và vẽ bản vẽ hoàn công trước khi tiến hành các công việc tiếp theo đồng thời các giấy tờ này chính là cơ sở pháp lý để xin hoàn công về sau.